Hoàng đế Đại Tề Hoàng_Sào

Kiểm soát Quan Trung

Hoàng Sào chuyển vào sinh sống trong hoàng cung triều Đường và xưng đế vào ngày Nhâm Thìn (13) tháng 12 năm Canh Tý (tức 16 tháng 1 năm 881), đặt quốc hiệu là Đại Tề. Ông lập Tào thị làm hoàng hậu, bổ nhiệm các quan văn võ. Thoạt đầu, Hoàng Sào muốn duy trì cấu trúc triều đình Đường, ông cho các quan hàng tứ phẩm và thấp hơn được tiếp tục tại nhiệm miễn là họ thể hiện quy phục, chỉ loại bỏ các quan lại hàng tam phẩm trở lên. Các quan lại triều Đường không quy phục bị hành hình tập thể.[2] Hoàng Sào cũng cố gắng thuyết phục các tướng Đường ở các quân quy phục ông, và có một số người chấp thuận như Gia Cát Sảng, Vương Kính Vũ, Vương Trọng Vinh, và Chu Ngập, song cuối cùng những người này lại quay về trung thành với Đường.[2][7] Hoàng Sào cũng cố gắng thuyết phục Phượng Tường tiết độ sứ Trịnh Điền quy phục, song Trịnh Điền từ chối. Hoàng Sào sau đó khiển Thượng Nhượng và Vương Bá (王播) đi đánh chiếm Phượng Tường, song quân Đại Tề chiến bại vào mùa xuân năm 881.[2]

Sau khi Trịnh Điền chiến thắng quân Đại Tề, một số tiết độ sứ trung thành với Đường hội quân gần Trường An vào mùa hè năm 881, hy vọng có thể nhanh chóng chiếm được thành. Do người dân Trường An cũng đang tiến hành kháng cự lại quân Đại Tề, Hoàng Sào buộc phải rút quân ra ngoài thành. Tuy nhiên, khi quân Đường tiến vào Trường An, họ đánh mất kỷ luật và tiến hành cướp bóc kinh thành. Quân Đại Tề sau đó phản công và đánh bại quân Đường tại Trường An. Hoàng Sào lại tiến vào Trường An, và do tức giận trước việc người dân Trường An hỗ trợ cho quân Đường, Hoàng Sào lệnh tiến hành đồ sát dân chúng.[2]

Vào mùa xuân năm 882, Đường Hy Tông khi đó đang ở Thành Đô, bổ nhiệm Vương Đạc làm Chư đạo hành doanh đô thống, giám sát các chiến dịch chống Đại Tề. Sau đó, quân Đường bắt đầu tập hợp lại tại khu vực quanh Trường An, và khu vực do Đại Tề kiểm soát nay chỉ giới hạn tại Trường An và vùng gần đó, cùng với Đồng châu (同州) và Hoa châu (華州)- nay đều thuộc Vị Nam.[2] Đến mùa thu năm 882, Đồng châu phòng ngự sứ Chu Ôn, đầu hàng. Vào mùa đông năm 882, Vương Ngộ (王遇) cũng dâng Hoa châu đầu hàng quân Đường, lãnh thổ Đại Tề nay chỉ còn giới hạn tại Trường An.[7]

Đương thời, tướng người Sa ĐàLý Khắc Dụng lại chuyển sang quy phục Đường và được đề nghị tiến công Tề, Lý Khắc Dung đến Đồng châu vào mùa đông năm 882 và hợp binh với các đội quân Đường khác.[2][7] Vào mùa xuân năm 883, quân Đường đánh bại 15 vạn quân Đại Tề do Thượng Nhượng thống soái, sau đó tiếp cận Trường An. Vào mùa hè năm 883, Lý Khắc Dụng tiến vào Trường An, Hoàng Sào không thể kháng cự nổi nên từ bỏ Trường An và chạy trốn về phía đông. Do quân Đường lại tiến hành cướp phá kinh thành, họ không thể đuổi theo Hoàng Sào, Hoàng Sào chạy thoát mà không bị ngăn cản.[7]

Hành quân về phía đông

Hoàng Sào tiến về Phụng Quốc[chú 33] và khiển bộ tướng Mạnh Khải tiến công Thái châu-thủ phủ của Phụng Quốc. Phụng Quốc tiết độ sứ Tần Tông Quyền chiến bại trước Mạnh Khải và phải mở cổng thành quy phục Hoàng Sào, hợp binh với quân Hoàng Sào. Sau khi đánh bại Tần Tông Quyền, Mạnh Khải tiến công Trần châu[chú 34], song bị Trần châu thứ sử Triệu Thù phản kích và giết chết. Trước việc Mạnh Khải tử trận, Hoàng Sào dẫn quân của mình và Tần Tông Quyền đi bao vây Trần châu, song không thể chiếm được thành sau gần 300 ngày bao vây. Do quân lính cạn kiệt nguồn cung lương thực, Hoàng Sào cho phép họ đi đến các vùng thôn quê lân cận, bắt người để dùng làm quân lương.[7]

Trong khi đó, vào mùa xuân năm 884, lo sợ sẽ thành mục tiêu kế tiếp của Hoàng Sào, Chu Ngập, Thì Phổ và Chu Ôn (cải thành Chu Toàn Trung), cùng xin Lý Khắc Dụng cứu viện, Lý Khắc Dụng do đó tiến quân về phía nam. Sau khi quân Lý Khắc Dụng hợp binh với quân của Chu Ngập, Thì Phổ, Chu Toàn Trung và Tề Khắc Nhượng, họ đánh bại Thượng Nhượng và Hoàng Tư Nghiệp. Hoàng Sào lo sợ, từ bỏ việc bao vây Trần châu và triệt thoái. Do doanh trại bị một trận lụt phá hủy, Hoàng Sào quyết định tiến về Biện châu- thủ phủ của Tuyên Vũ quân. Chu Toàn Trung đẩy lui được các đợt tiến công ban đầu của Hoàng Sào, song ông ta vẫn khẩn cấp cầu viện Lý Khắc Dụng. Lý Khắc Dụng cho rằng Hoàng Sào sẽ vượt sang bờ bắc Hoàng Hà, vì thế ông ta tiến công vào Vương Mãn Độ[chú 35] và tiêu diệt quân Hoàng Sào. Thượng Nhượng đầu hàng Thì Phổ, trong khi có một lượng lớn các tướng khác của Hoàng Sào cũng đầu hàng. Bị Lý Khắc Dụng truy kích, Hoàng Sào chạy về phía đông, song con trai út của Hoàng Sào bị Lý Khắc Dụng bắt được. Tuy nhiên, do quân lính trở nên kiệt sức, Lý Khắc Dụng ngừng truy kích Hoàng Sào và trở về Biện châu.[7]

Hoàng Sào tiến đến Duyện châu- thủ phủ của Thái Ninh[chú 36]. Thuộc hạ của Thì Phổ là Lý Sư Duyệt (李師悅) cùng Thượng Nhượng giao chiến với Hoàng Sào tại Duyện châu, kết quả là quân Hoàng Sào chiến bại và bị tiêu diệt gần hết, bản thân Hoàng Sào chạy trốn đến Lang Hổ Cốc[chú 37]. Ngày Bính Ngọ (17) tháng 6 năm Giáp Thìn (tức 13 tháng 7 năm 884,[1]) cháu của Hoàng Sào là Lâm Ngôn (林言) giết chết Hoàng Sào cùng huynh đệ và thê tử của ông, đem thủ cấp của họ đến trình Thì Phổ. Tuy nhiên, trên đường đến trại của Thì Phổ, Lâm Ngôn chạm trán với quân Sa Đà và Bác Dã, quân Sa Đà và Bác Dã giết chết Lâm Ngôn và đem các thủ cấp đến trình Thì Phổ[3] (Tuy nhiên, theo mô tả trong Tân Đường thư, Hoàng Sào tự sát và chỉ thị cho Lâm Ngôn đem thủ cấp của mình đến đầu hàng, mục đích là để cứu sống các binh sĩ.)[4]